Giá thép hôm nay 8/7: Thép xây dựng trong nước giảm mạnh

Giá thép thanh nhích nhẹ trong khi quặng sắt giảm do lo ngại về nhu cầu và các biện pháp kiểm soát sản xuất tại Trung Quốc.

Cập nhật giá thép thế giới

Kết thúc phiên giao dịch 7/7, giá thép thanh kỳ hạn tháng 7 trên Sàn Thượng Hải tăng 0,13% (4 nhân dân tệ) lên mức 3.082 nhân dân tệ/tấn. Trên Sàn Đại Liên, giá quặng sắt kỳ hạn tháng 7 giảm 5,01% (38,5 nhân dân tệ) về mức 729,5 nhân dân tệ/tấn. Trong khi đó, giá quặng sắt kỳ hạn tháng 7 trên Sàn Singapore-SGX giảm 0,64 USD về mức 95,25 USD/tấn. 

  Diễn biến giá thép kỳ hạn tháng 7 trên Sàn Thượng Hải. Nguồn: Barchart 

Thị trường quặng sắt đã ghi nhận mức giảm vào đầu tuần này trong bối cảnh lo ngại gia tăng về triển vọng nhu cầu tại Trung Quốc – quốc gia tiêu thụ thép lớn nhất thế giới, theo Reuters.

Cụ thể, thành phố Đường Sơn – trung tâm sản xuất thép quan trọng tại miền Bắc Trung Quốc – đã nhận được thông báo áp dụng các biện pháp kiểm soát sản xuất vì lý do bảo vệ môi trường. Một số nhà máy tại khu vực này đã tạm dừng hoạt động một phần dây chuyền thiêu kết, động thái được giới phân tích nhận định sẽ làm giảm nhu cầu nguyên liệu đầu vào như quặng sắt.

Mặc dù vậy, nhu cầu ngắn hạn đối với quặng sắt vẫn tương đối ổn định nhờ biên lợi nhuận sản xuất thép duy trì ở mức cao. Công ty tư vấn GMK Center dẫn số liệu từ tổ chức tư vấn Mysteel cho thấy sản lượng gang trung bình hàng ngày – chỉ báo quan trọng cho nhu cầu quặng sắt – vẫn đạt khoảng 2,41 triệu tấn tính đến ngày 3/7, cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái dù có dấu hiệu giảm nhẹ.

Tại châu Âu, các nhà phân phối và thương nhân đang bày tỏ quan ngại về Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM), liên quan đến yêu cầu môi trường trong hoạt động giao thương xuyên biên giới. Tại hội nghị kỷ niệm 75 năm của Eurometal, nhiều thành viên nêu rõ những khó khăn trong việc xác định chi phí vận hành, ảnh hưởng tới khả năng lập kế hoạch tài chính dài hạn cho doanh nghiệp – đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Một nhà phân phối tại Đức cho biết, hiện tại gần như không thể xác định biên lợi nhuận thực tế sau khi cơ chế CBAM được thực thi hoàn toàn.

Ngành sản xuất – bao gồm lĩnh vực ô tô và thiết bị gia dụng đang gặp khó khăn khi vừa yêu cầu mức giá cố định, vừa không muốn chịu rủi ro từ biến động chi phí. Nhiều ý kiến cảnh báo nguy cơ gián đoạn chuỗi cung ứng vào đầu năm 2026, thời điểm quy định mới dự kiến có hiệu lực toàn diện.

Dù thép xanh được xem là giải pháp tiềm năng cho mục tiêu giảm phát thải, nhu cầu thực tế vẫn thấp do thiếu nhận thức rõ ràng về giá trị cũng như chưa có cơ chế hỗ trợ như ưu đãi tài chính hoặc quy định mua sắm thân thiện với môi trường. Các nhà phân phối cũng bày tỏ lo ngại rằng những biện pháp phòng vệ hiện tại ở châu Âu vẫn chưa đủ mạnh để hỗ trợ ngành thép nội địa trước làn sóng bán phá giá hàng hóa từ bên ngoài.

Giá thép xây dựng trong nước điều chỉnh giảm

Trong nước, các doanh nghiệp đồng loạt giảm giá thép xây dựng kể từ ngày 4/7. Cụ thể, giá thép CB240 của Hòa Phát ghi nhận 13.230 đồng/kg; thép CB300 ở mức 12.830 đồng/kg, đều giảm 200 đồng/kg so với kỳ trước.

Trong khi đó, ở doanh nghiệp thép Việt Ý, giá thép CB240 ở mức 13.130 đồng/kg; thép D10 CB300 ở mức 12.520 đồng/kg, giảm tương ứng 400 đồng và 710 đồng/kg. Thép Việt Sing lần lượt ghi nhận 13.130 đồng và 12.930 đồng/kg, giảm lần lượt 300 đồng và 250 đồng/kg. 

   Giá thép ghi nhận tới ngày 8/7/2025. Nguồn: SteelOnline 

Theo Doanh Nghiệp Niêm Yết

Tin tức khác